Biện pháp thi công tường chắn lưới địa bao gồm các bước như sau:

Việc thi công lưới địa kỹ thuật phải tiến hành theo những bước đúng đắn nhằm phát huy được các công năng thiết kế của toàn bộ công trình gia cố đất (tường chắn trọng lực hoặc gia cố mái taluy hay đường dẫn đầu cầu).

tuong-dat-vải-gia-cuong
Biện pháp thi công tường chắn lưới địa

Lưới địa kỹ thuật phải được nhận dạng, vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản và thi công theo đúng quy trình để các đặc tính kỹ thuật của nó không bị ảnh hưởng và đáp ứng được các điều kiện thiết kế dự tính.

Kiểm tra vật liệu, vận chuyển, bốc xếp và bảo quản

Lưới địa kỹ thuật có thể được cuộn trên các lõi có độ cứng nhất định tránh cho lưới bị dập gãy hay các hư hỏng khác. Các cuộn có thể được bao gói bằng các loại màng plastic để bảo vệ lưới địa kỹ thuật không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bốc xếp dỡ, và có nhãn sản phẩm rõ ràng trên mỗi cuộn. Nhãn tối thiểu ghi rõ tên nhà sản xuất, tên sản phẩm và mã số cuộn.

Khi vận chuyển, bốc xếp dỡ lưới địa kỹ thuật từ vị trí này qua vị trí khác, cần lưu ý không làm hư hại đến bao gói, nhãn, lõi hay chính lưới địa kỹ thuật. Nếu lưới địa kỹ thuật cần bảo quản trong thời gian dài, điều kiện bảo quản phải đảm bảo không gây hư hỏng, xuống cấp của lưới địa kỹ thuật, bao gói, nhãn và lõi cuộn. Điều kiện bảo quản này có thể đạt được bằng cách kê cao cuộn trên nền phẳng, đủ cứng và có mái che để tránh tác động của tia tử ngoại cũng như các hóa chất ăn mòn mạnh (axit, bazơ) hay nguồn nhiệt hoặc các tia lửa hàn.

Chuẩn bị nền đất

Phần nền trải lưới địa kỹ thuật phải được chuẩn bị kỹ, làm phẳng và loại bỏ các vật sắc nhọn, các vật nhô lên (như rễ cây, tảng đá sắc, v.v) mà có thể làm hư hỏng lưới địa kỹ thuật. Phần nền đất phải được thi công theo đúng thiết kế (vật liệu, hệ số chặt, cao độ thiết kế, v.v) và theo hướng dẫn của kỹ sư hiện trường. Phần nền đất phải được lu đầm trước khi trải lưới địa kỹ thuật và đổ đất chèn.

Đất phải đạt hệ số đầm nén tối thiểu 95%, và đạt +/-2% độ ẩm tối ưu, tuân thủ theo AASHTO T-99. Các lớp đất dính (pha sét) được đầm nén mỗi lớp 150-200mm trong khi các lớp đất hạt (sỏi) được đầm nén từng lớp 225-300mm.

Trong trường hợp đào bóc tạm thời lớp mái taluy để thi công trải lưới địa kỹ thuật, cần tránh làm mất ổn định mái. Nếu cần thiết, có thể thi công cuốn chiếu từng phần trong trường hợp mái dốc lớn và việc thi công toàn tuyến có thể gây sụt trượt.

Trải, neo lưới địa kỹ thuật

Trước khi trải lưới địa kỹ thuật, thông số từng cuộn, kích thước chiều dài, hướng trải và vị trí trải phải được xác định theo bản vẽ thi công. Trong khi trải, kiểm tra các hiện tượng hư hỏng và lỗi kỹ thuật của lưới địa. Các hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, bốc dỡ hay thi công phải được khắc phục theo hướng dẫn của kỹ sư hiện trường.

Đặt khuôn và trải lưới địa kỹ thuật, có sử dụng ván ốp định hình
Đặt khuôn và trải lưới địa kỹ thuật, có sử dụng ván ốp định hình

Lưới địa kỹ thuật phải được trải theo đúng cao độ và hướng được chỉ định trong bản vẽ thi công hoặc theo hướng dẫn của kỹ sư hiện trường. Cần đặc biệt lưu ý để trải đúng hướng trong trường hợp lưới địa kỹ thuật sử dụng có cường độ chịu kéo hai chiều khác nhau. Lưới địa kỹ thuật được cắt đúng chiều dài thiết kế bằng dao sắc, kéo, v.v.

Sau khi trải lưới địa kỹ thuật, dùng tay kéo phẳng lưới địa kỹ thuật, đảm bảo lưới địa kỹ thuật không bị xếp nếp, căng đều và phẳng. Sau đó, phải neo định vị lưới địa kỹ thuật xuống nền, có thể sử dụng các cọc gỗ, chốt ghim, đổ các đống đất nhỏ để chặn hay neo bằng bao tải đất.

Lưới địa kỹ thuật phải trải với chiều dài liên tục theo hướng chịu lực chính. Không được phép có chồng mép, khâu hoặc nối cơ học trong hướng chịu lực chính. Các tấm lưới địa kỹ thuật liền kề (ngang với hướng chịu lực chính) được trải sao cho đảm bảo sự che phủ 100% của lưới địa kỹ thuật. Điều này có thể đạt được bằng cách chồng mép 50mm hoặc 2-3 mắt lưới, trừ phi có sự chỉ định khác trong bản vẽ thi công hoặc hướng dẫn khác của kỹ sư hiện trường. Trong trường hợp cần thiết, có thể buộc các mắt của các tấm gần kề bằng sợi HDPE, hay sợi PET.

Lưới địa kỹ thuật được trải với số lượng vừa đủ cho việc thi công liên tục, nhằm tránh sự hư hỏng không cần thiết. Sau khi trải lưới địa kỹ thuật, các lớp đất tiếp theo được đổ chèn, thi công đầm nén theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Sau khi đã hoàn thiện lớp đất tiếp theo, lớp lưới địa kỹ thuật mới lại được trải và neo như đã hướng dẫn ở trên. Quá trình thi công được tiếp tục theo đúng quy trình này cho các lớp lưới địa kỹ thuật và các lớp đất tiếp theo cho tới khi hoàn thiện.

Đổ đất chèn

Đất chèn phải đạt hệ số đầm nén tối thiểu 95%, và đạt +/-2% độ ẩm tối ưu, tuân thủ theo AASHTO T-99. Các lớp đất dính (pha sét) được đầm nén mỗi lớp 150-200mm trong khi các lớp đất hạt (sỏi) được đầm nén từng lớp 225-300mm. Các lớp đất đầm nén có độ dày tối thiểu không nhỏ hơn 150mm.

Đổ vật liệu chèn (đất) neo
Đổ vật liệu chèn (đất) neo

Các lớp đất chèn phải được đổ, san và đầm nén theo cách thức sao cho không làm thay đổi vị trí hoặc làm biến dạng, xếp nếp lưới địa kỹ thuật đã neo định vị. Tránh không đổ đất chèn tại vị trí mép của tấm lưới địa kỹ thuật rồi san ủi, vì như vậy có thể sẽ đẩy cong lưới địa kỹ thuật. Cần lưu ý tiến độ đổ đất chèn để đảm bảo các phương tiện thi công không di chuyển trực tiếp trên các lớp lưới địa kỹ thuật vừa trải định vị, mặc dù các phương tiện bánh lốp cao su có thể di chuyển trực tiếp trên lớp lưới địa kỹ thuật với tốc độ nhỏ hơn 16km/giờ theo đường thẳng mà không gây hư hại gì cho lưới địa kỹ thuật. Cần có một lớp đất tối thiểu có độ dày 150mm đổ trên lớp lưới địa kỹ thuật trước khi các phương tiện thi công khác được phép di chuyển bên trên. Xe bánh xích cần tránh di chuyển bên trên lớp này ở mức độ tối thiểu.

Các lớp đất đổ chèn cách bề mặt mái trong vòng 1m cần phải được đầm nén bằng các phương tiện/thiết bị hạng nhẹ, trừ phi có sự chấp thuận khác của kỹ sư hiện trường.

Lu lèn, đầm nén đất
Lu lèn, đầm nén đất

Nếu cần thiết, có thể phải ốp mái khi đổ đất đầm nén để đạt được hiệu quả đầm nén tối đa ở sát lớp mái taluy.

Thoát nước

Nước ngầm và nước mặt có thể bão hòa quá mức trong các lớp đất, giảm khả năng kháng cắt của đất và do đó giảm tính ổn định của toàn bộ công trình.

Các lớp đất phải được san gạt và lu đầm phẳng trước khi kết thúc mỗi ngày làm việc, nhằm tránh không cho nước mưa tạo thành các vũng nhỏ trên bề mặt. Công trường phải được triển khai và quản lý sao cho các nguồn nước được tiêu thoát trong quá trình xây dựng và sau khi kết thúc công trình.

Các biện pháp thoát nước nền cần thiết phải được áp dụng như khe thoát nước, hệ thoát nước ngang, hào thoát nước, v.v. theo đúng như bản vẽ thiết kế thi công hoặc theo hướng dẫn của kỹ sư hiện trường nhằm tránh hiện tượng ngấm nước bão hòa trong mọi thời điểm.

Nếu trong khi thi công phát hiện các nguồn nước ngầm, nguồn nước phải được thu và tiêu thoát bằng các biện pháp thích hợp và đúng mức cần thiết. Có thể sử dụng các các vật liệu sỏi, đá cuội (có thể bao gồm hoặc không bao gồm ống đục lỗ thu nước) bọc vải địa kỹ thuật để tiêu thoát nước.

Ốp mặt bên

Biện pháp thi công tường chắn lưới địa kiểu ốp mặt bên mái taluy/tường chắn trọng lực như được chỉ định trong bản vẽ thiết kế thi công. Có thể không cần ốp mặt bên đối với mái có góc 450 hoặc nhỏ hơn. Đối với góc lớn hơn 450, nhất thiết phải có vật liệu ốp mái.

Trong trường hợp ốp mái bằng chính vật liệu địa kỹ thuật sử dụng trong phần thân, nhà thầu thi công cần sử dụng các dụng cụ/vật liệu hỗ trợ việc đổ đất neo và đầm nén. Các dụng cụ/vật liệu này có thể là các bao tải đất để lại hiện trường hoặc dụng cụ khuôn sử dụng nhiều lần.

Các kiểu ốp mặt bên khác có thể là rọ đá, thảm tổ ong địa kỹ thuật, các khối gạch liên kết, lưới kim loại, v.v.

Kéo và neo lưới địa kỹ thuật
Kéo và neo lưới địa kỹ thuật
Nâng khuôn tạo lớp mới
Nâng khuôn tạo lớp mới

Tham khảo các bài viết liên quan:

Để được tư vấn thêm về giải pháp này, cung cấp bản vẽ chi tiết xin liên hệ:

Hy vọng được hợp tác cùng Quý khách!

 

Bài viết trước đó Thông số kỹ thuật lưới GX